Stress được định nghĩa là trạng thái căng thẳng về tinh thần hoặc cảm xúc do hoàn cảnh bất lợi gây ra. Một nghiên cứu cho thấy 33% người trưởng thành đã từng trải qua căng thẳng ở mức độ cao. Tình trạng này có liên quan đến một danh sách dài các triệu chứng về thể chất và tinh thần.
Mục lục
Tuy nhiên, mỗi người có phản ứng với căng thẳng sẽ khác nhau. Cảm giác căng thẳng có thể rõ ràng đối với một số người nhưng những người khác có thể không nhận thấy cho đến khi nó trở nên nghiêm trọng hơn. Căng thẳng quá mức hoặc căng thẳng kéo dài có thể gây bất lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn vì nó có thể khiến cơ thể bạn xấu đi.
Làm thế nào bạn có thể biết liệu bạn đang trải qua mức độ căng thẳng bình thường hay bạn đang thực sự bị căng thẳng quá mức?
Mặc dù căng thẳng ảnh hưởng đến mọi người theo cách khác nhau, nhưng có một số dấu hiệu phổ biến cho thấy bạn có thể bị căng thẳng quá mức.
1. Khó ngủ hoặc mất ngủ
Hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua một đêm mất ngủ và thức dậy với cảm giác mệt mỏi, uể oải. Khi ai đó bị căng thẳng quá mức, tâm trí của họ bị choáng ngợp và điều đó ảnh hưởng đến khả năng đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ của họ.
Nếu bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và hầu như không có chút năng lượng nào để vượt qua cả ngày, có thể bạn đang bị căng thẳng quá mức.
Một nghiên cứu năm 2014 với hơn 2.300 người trưởng thành tham gia cho thấy mối liên hệ đáng kể giữa việc tiếp xúc với căng thẳng và tăng nguy cơ mất ngủ.
2. Cảm thấy chán nản
Có thể hiểu rằng những sự kiện lớn trong đời như cái chết của người thân và mất việc làm có thể gây ra cảm giác buồn bã và chán nản. Nhưng căng thẳng do các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày như khó khăn về tài chính, các mối quan hệ rắc rối, vấn đề sức khỏe và trách nhiệm nuôi dạy con cái cũng có thể gây ra trầm cảm.
Một nghiên cứu xem xét 816 phụ nữ cho thấy rằng cả căng thẳng cấp tính và mãn tính đều làm tăng đáng kể nguy cơ mắc một giai đoạn trầm cảm nặng.
Điều quan trọng cần lưu ý là trầm cảm có liên quan đến các yếu tố khác như tiền sử gia đình, môi trường, chất hóa học trong não, một số tình trạng bệnh lý và dinh dưỡng kém.
3. Cảm thấy lo lắng hoặc khó chịu
Khi bạn trải qua mức độ căng thẳng cao trong một khoảng thời gian dài, bạn có thể cảm thấy choáng ngợp. Bạn có thể có quá nhiều việc phải làm và bạn có thể cảm thấy như mình không thể hoàn thành tất cả. Điều này có thể tạo ra cảm giác khó chịu.
Cho dù đó là chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn hay trong buổi hẹn hò đầu tiên, việc thường xuyên cảm thấy lo lắng là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn lúc nào cũng cảm thấy lo lắng, điều đó có nghĩa là bạn đang bị căng thẳng quá mức.
Một nghiên cứu năm 2015 xem xét những người trưởng thành khỏe mạnh trong độ tuổi từ 30 đến 60, cho thấy căng thẳng trong công việc và gia đình có liên quan đến các triệu chứng lo âu và trầm cảm ở cả nam và nữ.
4. Bị đau đầu thường xuyên
Một trong những triệu chứng phổ biến của tình trạng căng thẳng quá mức là thường xuyên bị đau đầu kiểu căng thẳng. Kiểu đau đầu này có thể khiến bạn cảm thấy như có một dải băng quấn quanh đầu đang dần siết chặt lại.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng căng thẳng có thể góp phần gây đau đầu, một tình trạng đặc trưng bởi cơn đau ở vùng đầu hoặc cổ.
Một nghiên cứu trên 267 người bị đau đầu mãn tính cho thấy rằng có đến 45% trường hợp bị đau đầu mãn tình do một sự kiện căng thẳng xảy ra trước đó.
Một nghiên cứu khác đã khảo sát 150 thành viên nghĩa vụ quân sự tại một phòng khám đau đầu, có đến 67% trường hợp cho biết cơn đau đầu của họ là do căng thẳng gây ra, đây là nguyên nhân gây đau đầu phổ biến thứ hai.
Các tác nhân gây đau đầu phổ biến khác bao gồm thiếu ngủ, uống rượu và mất nước.
5. Xuất hiện các vấn đề về tiêu hóa
Căng thẳng mãn tính có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như ợ nóng, táo bón, tiêu chảy và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của những người mắc bệnh viêm ruột (IBD), hội chứng ruột kích thích (IBS), loét dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và các bệnh chức năng đường tiêu hóa khác.
6. Nhịp tim và huyết áp cao
Bạn có thể cảm thấy tim mình đập nhanh hơn khi ra ngoài đi bộ nhanh hoặc di chuyển một số đồ đạc nặng. Tuy nhiên, nếu tim bạn đập thình thịch khi bạn đứng yên hoặc ngồi, điều đó có thể cho thấy bạn đang bị căng thẳng quá mức.
Khi bạn đang gặp căng thẳng, cả nhịp tim và huyết áp của bạn đều tăng lên. Tuy nhiên, nếu tác nhân gây căng thẳng là ngắn hạn (hay còn gọi là căng thẳng do tình huống), nhịp tim và huyết áp của bạn sẽ trở lại mức bình thường.
Nếu bạn bị căng thẳng trong một thời gian dài, hệ quả là cơ thể bạn sẽ hoạt động quá mức trong một thời gian dài.
7. Xuất hiện nhiều mụn
Mức độ nghiêm trọng của căng thẳng đã được chứng minh là có liên quan đáng kể với sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá. Một trong những cơ chế là trong quá trình phản ứng với căng thẳng, cơ thể giải phóng cortisol làm tăng sản xuất dầu trên da và khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.
Khi một số người cảm thấy căng thẳng, họ có xu hướng chạm tay vào mặt thường xuyên hơn. Điều này có thể lây lan vi khuẩn và góp phần vào sự phát triển của mụn trứng cá.
Một số nghiên cứu cũng đã xác nhận rằng mụn trứng cá có thể liên quan đến mức độ căng thẳng cao hơn. Cụ thể như:
- Một nghiên cứu đã đo mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá ở 22 người trước và trong khi khám. Mức độ căng thẳng gia tăng do kỳ thi có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá.
- Một nghiên cứu khác trên 94 thanh thiếu niên cho thấy mức độ căng thẳng cao hơn có liên quan đến tình trạng mụn trứng cá nặng hơn, đặc biệt là ở các nam thanh niên.
Ngoài căng thẳng, các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra mụn trứng cá bao gồm sự thay đổi nội tiết tố, vi khuẩn, sản xuất dầu dư thừa và lỗ chân lông bị tắc.
8. Bị ốm thường xuyên
Hiệu quả của hệ thống miễn dịch của bạn phụ thuộc vào mức độ căng thẳng mà cơ thể bạn đang trải qua. Khi cơ thể bạn thường xuyên bị căng thẳng, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ dễ bị tổn thương và khả năng chống lại nhiễm trùng và vi-rút giảm đi.
Vì vậy, nếu có vẻ như bạn luôn hồi phục sau khi bị cảm lạnh hoặc đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, thì có thể bạn đang bị căng thẳng quá mức.
9. Đau nhức mãn tính
Đau mãn tính và căng thẳng mãn tính đi đôi với nhau. Nếu ai đó bị đau, họ cảm thấy căng thẳng và nếu họ thường xuyên căng thẳng, nó có thể gây ra đau nhức.
Cơ thể bạn cảm thấy thế nào khi thức dậy vào buổi sáng? Nếu bạn liên tục cảm thấy đau khớp và lưng, có thể bạn đang bị căng thẳng quá mức.
Một trong những nguyên nhân khiến căng thẳng kéo dài có thể gây đau nhức liên quan đến chất cortisol được giải phóng trong quá trình phản ứng căng thẳng của cơ thể. Trong những tình huống bình thường, cortisol là một loại hormone chống viêm; tuy nhiên, căng thẳng mãn tính và lượng cortisol tăng cao lặp đi lặp lại gây ra rối loạn chức năng cortisol. Rối loạn chức năng Cortisol gây ra tình trạng viêm, từ đó tạo ra tổn thương mô và dây thần kinh lan rộng.
10. Giảm ham muốn tình dục
Căng thẳng có thể gây ra những thay đổi trong ham muốn tình dục. Nếu bạn thấy mình ít quan tâm đến tình dục hơn trước đây, bạn có thể đang bị căng thẳng quá mức.
Một nghiên cứu năm 2021 đã xem xét mối liên quan giữa tác động của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Nó đã khảo sát hơn 1000 phụ nữ và thấy rằng 45% nói rằng họ bị giảm ham muốn tình dục do căng thẳng.
Điều quan trọng là phải xem xét các yếu tố khác ảnh hưởng đến ham muốn tình dục của một người bao gồm thay đổi nội tiết tố, yếu tố tâm lý, hút thuốc, uống rượu và các yếu tố xã hội khác.
Tóm lại, căng thẳng là điều mà hầu hết mọi người sẽ trải qua lúc này hay lúc khác. Nó có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của sức khỏe và có nhiều triệu chứng, bao gồm giảm mức năng lượng và gây đau đầu hoặc đau mãn tính.
May mắn thay, có nhiều cách giúp giải tỏa căng thẳng, chẳng hạn như thực hành chánh niệm, tập thể dục và tập yoga.
Bạn cũng có thể xem các gợi ý từ bài viết này để theo dõi các mẹo giảm căng thẳng và lo lắng quá mức.