Đi chợ quên mang ví, nấu cơm nhưng chưa cắm điện, mất cả tiếng đồng hồ chỉ để tìm chìa khóa xe đi làm…đây chính là biểu hiện của chứng suy giảm trí nhớ sau sinh – tình trạng mà nhiều phụ nữ mắc phải sau khi có em bé. Đầu óc lúc nào cũng “nhớ nhớ quên quên khiến các chị em phát cáu vì độ đãng trí của mình. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Mục lục
Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ sau sinh ở phụ nữ
Có khoảng 80% bà mẹ trong giai đoạn cuối thai kỳ và sau khi sinh gặp phải tình trạng mất trí nhớ sau sinh. Tình trạng giống như mất trí nhớ ngắn hạn mà nhiều người thỉnh thoảng gặp phải khi kiệt sức. Thường liên quan đến lão hóa bình thường, mất trí nhớ ngắn hạn cũng có thể do thiếu ngủ trầm trọng và kiệt sức. Những người mới làm mẹ thường mất ngủ rất nhiều khi chăm sóc em bé, dẫn đến suy giảm trí nhớ.
Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở phụ nữ sau sinh được cho là có liên quan đến sự suy giảm hormone nội tiết một cách đột ngột. Estrogen là yếu tố quan trọng góp phần thay đổi tế bào gốc của thần kinh trung ương, thay đổi tạo hình của não bộ và tái sinh đồi hải mã nên nó chịu trách nhiệm ghi nhớ và nhận biết. Hormone Estrogen ở phụ nữ sẽ tăng cao trong khoảng 6 tháng đầu của thai kỳ, sau đó sẽ giảm dần ở 3 tháng cuối và kéo dài khoảng 6 tháng sau sinh.
Khi bạn trải qua những thay đổi đột ngột về nồng độ hormone khiến não bộ chưa kịp điều chỉnh, nó có thể dẫn đến buồn nôn, đau đầu và thậm chí là các vấn đề về nhận thức như đãng trí, hay quên.
Ngoài ra, không ít phụ nữ phải chịu gánh nặng trong việc chăm sóc con cái và gia đình khoảng thời gian sau sinh nở. Họ không còn đủ thời gian chăm sóc cho bản thân, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi kém dẫn đến căng thẳng, mất ngủ thậm chí là trầm cảm. Những điều này đều có thể là một trong số các nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ sau sinh.
Suy giảm trí nhớ sau sinh liệu có tồn tại “mãi mãi”?
Trước tiên cần phải khẳng định rằng, hội chứng suy giảm trí nhớ sau sinh thực sự không quá đáng lo ngại, chúng không khiến phụ nữ trở nên ngốc nghếch hay mất trí nhớ hoàn toàn mà đa phần chỉ là biểu hiện mang tính tạm thời.
Do sự thay đổi nội tiết tố
Sau khi sinh và cho con bú, lượng estrogen trong bộ não sẽ giảm xuống, đồng thời một lượng lớn hormone oxytocin được tiết ra và lấp đầy bộ não. Sự cộng hưởng này giống như từng đợt sóng nối tiếp nhau, cơn sóng thay đổi hormone này chưa dứt thì cơn sóng khác đã ập tới… và kết quả là, họ càng trở nên “đãng trí” nhiều hơn.
Theo các nhà khoa học, các bà mẹ sau sinh cần khoảng thời gian từ nửa năm cho tới 1 năm để tự cân bằng hormone và khiến trí nhớ quay trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, nếu họ không quan tâm tới tình trạng sức khỏe của bản thân, cân bằng giữa việc chăm con và nghỉ ngơi thì tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn, nhất là khi họ rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài.
Thiếu ngủ
Giấc ngủ rất cần thiết cho tất cả mỗi chúng ta. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ bị mất ngủ, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của họ. Thiếu ngủ cũng có thể dẫn đến chứng hay quên và mất trí nhớ.
Lo lắng và căng thẳng
Giống như giấc ngủ, căng thẳng có thể tác động đến cơ thể của bạn theo nhiều cách. Ví dụ, nó có thể gây căng cơ, đau và huyết áp cao. Nhưng bạn có biết căng thẳng có thể ảnh hưởng đến tâm trí của bạn? Điều này khiến người phụ nữ kiệt sức và mệt mỏi. Khi đó, hệ thần kinh sẽ mất tập trung do phải phân tán tư tưởng vào nhiều hoạt động cùng lúc và khiến trí nhớ suy giảm theo thời gian. Một số nghiên cứu đã liên kết sự lo lắng và căng thẳng với chứng mất trí nhớ.
>>> 5 yếu tố tối quan trọng để có một trí nhớ tốt
Làm sao để phòng tránh và hạn chế mức độ nghiêm trọng của chứng suy giảm trí nhớ sau sinh?
Thiết lập thói quen sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ
Thiếu ngủ có thể là thủ phạm lớn nhất khiến bạn mất trí nhớ ngắn hạn. Em bé của bạn cần được chăm sóc, nhưng bạn cũng cần giấc ngủ chất lượng để cơ thể khỏe mạnh.
Phụ nữ cần cố gắng duy trì giấc ngủ đầy đủ mỗi ngày (ngủ trưa khoảng 30 phút). Mặc dù điều này có vẻ khá khó khăn vì bạn còn phải dành thời gian chăm sóc em bé, tuy nhiên hãy tranh thủ lúc con ngủ thì mẹ cũng ngủ theo. Để nếu như bé có chợt thức giấc giữa đêm bạn vẫn có thể đủ tỉnh táo để chăm sóc bé.
Chia sẻ công việc với chồng
Mẹ cần biết sắp xếp công việc hợp lý, có kế hoạch rõ ràng. Đặc biệt, không cần thiết phải ôm đồm quá nhiều công việc cùng lúc để tránh kiệt sức hoặc mệt mỏi. Hãy nhờ tới sự giúp đỡ của chồng, người thân bên cạnh để chia sẻ bớt áp lực cả mình. Đặc biệt cần tâm sự với chồng những khó khăn mình đang gặp phải để được thấu hiểu, giảm tránh nguy cơ bị căng thẳng và trầm cảm.
Vai trò của người chồng đặc biệt quan trọng, người chồng cần quan tâm đến mẹ bầu nhiều hơn để họ thoải mái về tâm lý, nên chủ động nói chuyện với vợ để vợ cảm thấy được yêu thương và vui vẻ, không nên mắng mỏ, chì chiết. Chia sẻ khó khăn với nhau sẽ góp phần giảm nguy cơ bị stress, suy giảm trí nhớ sau sinh.
Trang bị kiến thức mang thai
Cần trang bị kiến thức và kỹ năng làm mẹ ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ bằng cách tham gia các lớp học tiền sản cho các bà mẹ đang mang thai. Bạn nên rủ thêm chồng đi cùng để hiểu thêm và sẵn sàng giúp vợ những lúc cần thiết.
Chế độ tập luyện và dinh dưỡng khoa học
Luyện tập để tăng cường trí nhớ bằng cách tĩnh tâm với thiền hoặc yoga. Chế độ ăn uống cần bổ sung nguồn estrogen tự nhiên như đậu nành, một số loại hạt như hạt điều, lạc, vừng, hướng dương… Hạn chế các chất kích thích như rượu bia, chè đặc, cà phê, thuốc lá. Bổ sung sắt khi mang thai để tránh thiếu máu do thiếu sắt Một số thực phẩm có ích cho não, giàu B6 và axit folic như ngũ cốc, bột yến mạch, rau chân vịt, súp lơ xanh, dâu tây, táo, hạnh nhân… Nên ăn nhiều bữa trong ngày, đừng bỏ bữa.
Xem thêm: Để tăng cường trí nhớ bạn nên ăn những gì?
Một số loại thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng cho não để đảm cho khả năng ghi nhớ của não bộ cả trong thời gian ngắn hạn và dài hạn.
Bài viết trên đây không thể thay thế cho lời khuyên trực tiếp từ các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Chúng chỉ mang tính chất tham khảo không được sử dụng vào bất kỳ mục đích chẩn đoán hay điều trị nào.