Thiếu máu não hiện đang là căn bệnh phổ biến tại Việt Nam. Đây là một căn bệnh nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời dễ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Để điều trị thiếu máu não, bên cạnh việc dùng thuốc tây, bạn có thể áp dụng một số bài tập yoga để phòng chống và điều trị bệnh thiếu máu não. Vậy có các tư thế yoga nào dành cho người thiếu máu não? Để có được câu trả lời mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau của Tinsuckhoe.
Mục lục
1. Thiếu máu não là gì?
Thiếu máu não là tình trạng lượng máu lưu thông lên não bị giảm, khiến cho các tế bào của não không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cần thiết. Từ đó, gây ảnh hưởng đến các hoạt chức năng của hệ thần kinh trung ương gây rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy. Bệnh thiếu máu não có thể gây lên một số biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
2. Nguyên nhân gây lên bệnh thiếu máu não
Có nhiều nguyên nhân gây lên bệnh thiếu máu não như:
- Bị xơ vữa động mạch.
- Thoái hóa đốt sống cổ, chấn thương cột sống.
- Do mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.
- Huyết áp cao.
Ngoài những nguyên nhân bệnh lý trên, thiếu máu não còn do nguyên nhân lối sống không lành mạnh như: thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, chế độ ăn uống không khoa học: ít chất xơ, nhiều chất béo, lười vận động, thường xuyên bị căng thẳng, stress, mệt mỏi, sử dụng máy tính, điện thoại với tần suất cao.
Đọc thêm: Các biến chứng nguy hiểm của bệnh thiếu máu não
3. Triệu chứng của bệnh thiếu máu não
Các triệu chứng của bệnh thiếu máu não thường rất đa dạng và biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của người bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến của bệnh thiếu máu não:
- Đau đầu.
- Hoa mắt, chóng mặt.
- Giảm thị lực.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Giảm tư duy.
- Tai bị ù, giảm khả năng nghe.
- Rối loạn cảm giác và vận động như: chân tay bị nhức mỏi, tê, vận động kém.
4. Các tư thế tập yoga cho người thiếu máu não
Theo các chuyên gia, việc tập yoga có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu não rất là tốt. Đây là phương pháp giúp cải thiện tình trạng thiếu máu não một cách tự nhiên mà không phải dùng thuốc. Thông qua các bài tập luyện mà các đốt sống cổ và lưng giảm được sự gù cứng, cột sống được làm mềm, cơ dựng ở 2 bên cổ khỏe hơn, các dây thần kinh hoạt động ổn định và nhịp nhàng hơn, kích thích hoạt động mạch đốt sống cổ, kết hợp với việc hít thở sâu và dài giúp cho lượng máu và oxy cung cấp lên não nhiều hơn. Từ đó, tăng tuần hoàn máu não.
Các tư thế yoga sẽ tác động sâu vào hệ thần kinh, giúp nâng cao nhận thức của cơ thể. Do đó, để cơ thể thích ứng bạn cần thiết lập lại các thói quen sinh hoạt.
Trong quá trình tập luyện, bạn vừa quan sát, vừa lắng nghe cơ thể mình để có được những bài tập thích hợp, cần thiết. Ngoài ra, nếu công việc cần sự tập trung cao, trong lúc làm việc bạn có thể thả lỏng bờ vai, phần gáy và cổ sau khi làm việc được 90 phút.
Dưới đây là các tư thế tập yoga giúp phòng và điều trị bệnh thiếu máu não:
4.1. Tư thế lạc đà
Bài tập yoga cho người thiếu máu não với tư thế lạc đà là bài tập được nhiều người sử dụng nhiều trong việc tăng tuần hoàn máu não. Bài tập có tác dụng giúp cho giãn xương sống, giãn các xương ở lưng và bả vai, cánh tay để tăng cường độ dẻo dai cho cột sống. Nếu bạn tập tư thế này một cách thường xuyên sẽ giúp ích nhiều cho hệ tiêu hóa được khỏe mạnh.
Cách thực hiện:
- Bạn quỳ người xuống với tư thế đầu gối và hông dang rộng ra hai bên, đùi vuông góc với sàn nhà. Sau đó, xoay nhẹ phần đùi vào trong, từ từ khép hông lại, giữ mông cố định không di chuyển.
- Đặt tay lên lưng và xương chậu, bàn tay và ngón tay hướng xuống dưới. Sau đó, bạn nhẹ nhàng đẩy tay của mình từ phần xương chậu sang phần xương cụt, đồng thời ưỡn xương cụt về phía dưới, đùi đẩy về phía sau. Tiếp theo, bạn hít sâu, nâng phần ngực lên cao bằng cách kéo bả vai xuống thấp hơn xương sườn.
- Giữ ổn định vị trí của bả vai và xương cụt, đầu giữ thẳng, cằm đặt gần ngực, lúc này bạn lấy tay đặt lên vùng xương chậu. Sau đó, bạn chạm tay vào bàn chân của mình, đùi lúc này hơi nghiêng một chút so với sàn nhà, xoay nhẹ và chạm một tay vào chân. Bạn nhấn đùi về vị trí thẳng đứng, xoay eo về vị trí ban đầu. Bạn làm tương tự với tay còn lại vào chân cùng bên.
- Sau khi thực hiện được các bước trên, bạn thả lỏng xương sườn, nâng phần xương chậu lên phía xương sườn, giãn phần lưng sao cho xương sống dài nhất có thể. Bạn lấy lòng bàn tay giữ chặt phần gót chân, nhẹ nhàng xoay cánh tay ra ngoài rồi từ từ đưa về trước ngực.
- Bạn giữ tư thế này trong vòng từ 30 giây đến 1 phút. Trong lúc nghỉ, bạn nên đặt tay ngang phần xương hông, sau đó hít vào và nâng phần đầu và eo lên. Bạn có thể thực hiện tư thế con lạc đà lặp đi lặp lại từ 3 – 5 lần.
4.2. Tư thế tống hơi
Với tư thế này sẽ có tác dụng kích thích hệ thần kinh, từ đó tăng lượng máu lên não. Ngoài ra, bài tập này, còn giúp tăng cường hoạt động của các cơ quan nội tặng giúp cơ thể khỏe mạnh.
Cách thực hiện:
- Thả lỏng người, sau đó nằm ngửa với phần đầu sát xuống sàn nhà.
- Từ từ co chân phải lên, chân còn lại duỗi thẳng. Dùng hai tay đan vào nhau và bám vào chân phải.
- Bạn giữ tư thế trên từ 1 – 3 phút, rồi tiến hành đổi chân và lặp lại như 2 bước trên.
4.3. Tư thế đứng gập người
Với tư thế đứng gập người này, phần đầu thấp hơn tim làm cho lượng máu từ tim đến não tăng, thúc đẩy oxy và các chất dinh dưỡng lên não. Ngoài tác dụng trên, tư thế còn giúp não bộ được thư giãn, nghỉ ngơi, giảm stress hiệu quả và ngăn ngừa được sự lão hóa của cột sống.
Lời khuyên: bạn nên thực hiện này vào buổi sáng, đầu giờ làm việc hoặc khi bạn phải ngồi lâu một chỗ.
Cách thực hiện:
- Người đứng thẳng, hai tay thả lỏng xuống.
- Hít sâu, giơ hai tay lên qua đầu để kéo giãn cột sống.
- Thở từ từ, chuyển động đầu gối và gập người về phía trước, giữ thăng bằng cơ thể bằng cách chuyển động lưng và hông một cách nhẹ nhàng.
- Giữ hai tay chạm mặt sàn, mặt áp sát vào đầu gối, chân thẳng, giữ tư thế này từ 30 – 60 giây.
- Hít vào và quay trở lại tư thế ban đầu.
4.4. Tư thế gác chân lên tường
Cũng giống theo cơ chế đầu thấp hơn tim, tư thế gác chân lên tường sẽ giúp cho lượng máu lưu thông lên não được dễ dàng, cải thiện tình trạng thiếu máu não một cách hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Đầu tiên bạn di chuyển cơ thể nằm ngửa trên thảm hoặc trên giường sao cho cơ thể nằm vuông góc với tường, hai tay rang rộng ra hai bên, lòng bàn tay ngửa.
- Từ từ đưa 2 chân thẳng lên, ép sát vào tường, kết hợp với hít thở sâu.
- Để đạt được hiệu quả tốt nhất bạn nên thực hiện tư thế này trong vòng 2 phút hoặc là hơn. Trong lúc tập bạn có thể đặt một chiếc gối thấp hoặc một cái chăn mỏng dưới lưng, như vậy sẽ giúp bạn thoải mái hơn trong lúc tập luyện.
4.5. Tư thế chữ V úp ngược
Đây là một bài tập có tác dụng tốt cho những người mắc chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt và hay bị mất ngủ lúc nửa đêm. Bởi đây là bài tập giúp bạn giảm thiểu căng thẳng và các triệu chứng của bệnh thiếu máu não như cơ thể mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu sẽ được cải thiện rõ rệt.
Cách thực hiện:
- Đầu tiên bạn chuẩn bị ở tư thế chống hai tay và đầu gối lên thảm hoặc lên sàn, sao cho tay rộng bằng vai, đầu gối rộng bằng hông.
- Hít thở chậm và đều đặn, dùng lực hai tay nâng người lên cao hết sức có thể, trong khi lưng và chân phải duỗi thẳng.
- Giữ nguyên có thể ở vị trí như vậy từ 1 – 3 phút, sau đó từ từ gập đầu gối xuống, ngồi trên gót chân, người cúi về phía trước, hai tay duỗi thẳng, lòng bàn tay úp xuống sàn, đầu chạm sàn và cơ thể giữ ở trạng thái thư giãn.
4.6. Tư thế con cua
Thông thường những người bị bệnh thiếu máu não sẽ hay căng thẳng, dễ bị nổi nóng, có cảm giác bực tức trong người. Để giảm thiểu căng thẳng, bạn có thể tham khảo bài tập yoga với tư thế con cua.
Cách thực hiện:
- Đầu tiên bạn ngồi thẳng với một chân duỗi, chân còn lại gập lên đùi của chân đang duỗi.
- Thả lỏng người, từ từ gập lưng xuống, một tay nắm lấy bàn chân đang duỗi, tay còn lại dang sang ngang chạm đất.
- Bạn giữ tư thế này khoảng 10 nhịp hít thở sâu, sau đó đổi tư thế và thực hiện từ 2 – 3 lần.
4.7. Tư thế cái cây
Đây là bài tập có tác dụng giảm stress, căng thẳng, mệt mỏi của những bệnh nhận thiếu máu não. Sau khi tập bài tập này, bạn sẽ lấy lại được sự cân bằng, thoải mái, tinh thần vui vẻ trở lại.
Cách thực hiện:
- Bạn đứng thẳng trên thảm hoặc trên sàn nhà, sao cho chân rộng bằng hông, hai tay chống lên hông.
- Chân trái giữ làm trụ, chân phải gập cong lại và đặt vào má đùi trong của chân trái.
- Từ từ di chuyển hai tay sao cho lòng bàn tay úp vào nhay và đặt về phía trước ngực.
- Hít sâu, mở rộng tay qua vai, tách hai tay để song song với nhau. Giữ nguyên tư thế đó từ 30 giây đến 1 phút và thực hiện như trên với chân còn lại.
4.8. Tư thế con cá
Với bài tập này các vùng cổ, ngực, lưng của cột sống sẽ được mở rộng một cách tối đa. Từ đó, giúp giải tỏa sự căng thẳng cơ lên cổ, ngực và tăng tuần hoàn máu lên não.
Cách thực hiện:
- Đầu tiên bạn di chuyển cơ thể nằm ngửa lên thảm hoặc trên sàn nhà, hai chân duỗi thẳng khép vào nhau, hai tay đặt xuống phía dưới mông.
- Thở ra, nâng ngực lên, đầu nâng nhẹ và ngửa cổ ra đằng sau, dồn trọng lực cơ thể lên khuỷu tay và hai cánh tay chứ không phải lên đầu.
- Để thoát khỏi thế trên, hãy nâng đầu lên trước, từ từ hạ ngực xuống sàn và thư giãn.
Đọc thêm: Thiếu máu não nên làm gì để cải thiện bệnh?
Trên đây là các tư thế yoga giúp lưu thông máu, rất tốt cho những người bị bệnh thiếu máu não. Các bài tập trên đa phần đều dễ dàng thực hiện tại nhà, do đó người bệnh nên tập luyện một cách thường xuyên để đạt được kết quả tốt nhất. Khi mắc bệnh, ngoài việc tập luyện yoga, người bệnh nên kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý để việc điều trị bệnh đạt hiệu quả cao. Chúc các bạn khỏe mạnh.