Thiếu máu não là một căn bệnh thường gặp ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, với những áp lực, căng thẳng trong công việc, khiến cho tình trạng bệnh này đang được trẻ hóa dần. Đây là một căn bệnh cần được phát hiện và điều trị ngay, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh mà còn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, đột quỵ. Vậy thiếu máu não nên làm gì để cải thiện bệnh hiệu quả? Để có được lời giải đáp mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau.
Mục lục
1. Bệnh thiếu máu não là gì?
Thiếu máu não là tình trạng tuần hoàn máu kém khiến cho lượng máu lên não không được đảm bảo dẫn đến tình trạng thiếu máu não. Đây là căn bệnh tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương nên thường gây cho người bệnh bị đau đầu, rối loạn giấc ngủ, tư duy kém.
Thiếu máu não ban đầu thường khởi phát với các triệu chứng nhẹ, khó nhận biết vì nó giống như triệu chứng của các bệnh thông thường khác. Sau đó, tăng dần tùy theo mức độ của bệnh. Một số triệu chứng phố biển như: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, cơ thể mệt mỏi, giảm trí nhớ, thị lực, tai bị ù, chân tay mỏi và tê bì.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu não
Bệnh thiếu máu não là một bệnh nguy hiểm nhưng không phải ai cũng biết nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Đây là căn bệnh có nhiều nguyên nhân gây lên như:
- Xơ vữa động mạch: đây là nguyên nhân chính gây lên hiện tượng tuần hoàn máu kém. Khi mắc chứng xơ vữa động mạch, mạch máu của bệnh nhân sẽ bị tắc nghẽn do có nhiều mảng xơ vữa tích tụ lại bám ở đó. Do đó, dòng máu không được thông suốt và gây ra tình trạng thiếu máu não.
- Do bị thoái hóa đốt sống cổ: khi bị thoái hóa đốt sống cổ chúng sẽ chèn ép lên các mạch máu, khiến cho lượng máu lưu thông lên não bị kém.
- Do mắc các bệnh liên quan đến tim mạch: các bệnh liên quan đến tim mạch sẽ khiến cho chức năng cung cấp máu từ tim lên não bị kém đi. Lượng máu của hệ tuần hoàn không đủ sẽ ảnh hưởng đến quá trình đưa máu lên não.
- Do huyết áp cao: huyết áp cao sẽ làm tăng áp lực của dòng máu lên các thành mạch, khiến các thành mạch xuất hiện các tổn thương. Nếu tổn thương này xuất hiện nhiều ở mạch máu sẽ gây ra hiện tượng phình mạch, dẫn đến chảy máu não hoặc hình thành các mảng xơ vữa làm cản trở quá trình máu lưu thông lên não.
Ngoài những nguyên nhân trên còn có một số nguyên nhân khác như: cơ thể thường xuyên bị stress, mệt mỏi, căng thẳng, lười vận động, chế độ ăn uống không khoa học ít chất xơ, nhiều chất béo, thường xuyên hút thuốc lá, rượu bia, dùng nhiều điện thoại và máy tính.
Đọc thêm: Tại sao bệnh thiếu máu não nguy hiểm?
3. Thiếu máu não nên làm gì để cải thiện bệnh?
Đa phần các bệnh nhân bị thiếu máu não đều chưa nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của bệnh, cũng như cách điều trị và kiểm soát bệnh như thế nào. Một công bố mới đây nhất của Tổ chức y tế cho biết rằng, tỷ lệ tử vong của bệnh thiếu máu não cao thứ 3 chỉ sau ung thư và các bệnh về tim mạch.
Lúc đầu các triệu chứng của bệnh thiếu máu não chỉ xuất hiện thoáng qua, có thể chỉ là những cơn đau đầu, chóng mặt, khó ngủ,…nhưng bệnh sẽ tiến triển rất nhanh nếu như không có biện pháp điều trị kịp thời. Do đó để cải thiện tình trạng bệnh, bạn nên thực hiện một số việc sau:
3.1. Sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ
Nếu bạn thấy cơ thể mình xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh thiếu máu não, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra. Mặc dù đây là bệnh chưa có phương pháp điều trị thiếu máu não một cách triệt để, song nếu điều trị tích cực kết hợp với lối sống, chế độ dinh dưỡng thì bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Một số loại thuốc giúp điều trị bệnh thiếu máu não hiện nay đều có tác dụng tăng tuần hoàn máu não và cải thiện những triệu chứng mà bệnh thiếu máu não gây ra. Tuy nhiên, uống thuốc nào và liều dùng sao cho hợp lý bạn nên nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh trường hợp tự ý mua thuốc về dùng, vì như vậy có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Xem chi tiết: Thiếu máu não uống thuốc gì?
3.2. Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, đủ chất dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và đảm bảo chức năng của não bộ, hệ tuần hoàn và tim mạch. Để cải thiện bệnh thiếu máu não, bạn cần bổ sung các loại dinh dưỡng sau trong thực đơn ăn hàng ngày:
Các loại cá béo: cá béo như: cá hồi, cá thu, cá tuyết, cá ngừ,… có chứa hàm lượng omega – 3 cao. Đây là nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe của tim mạch và não bộ. Chất béo này có khả năng giảm nồng độ chất beta-amyloid – đây là chất gây ra những tổn thương cho não bộ. Ngoài ra, việc bổ sung omega – 3 còn có tác dụng làm tăng lưu lượng máu lên não.
Ngoài cá, có một số loại hạt như: hạt óc chó, hạt macca, hạt hạnh nhân,…cũng khá giàu omega – 3. Bạn có thể dùng để chế biến món ăn hoặc làm bữa ăn phụ.
Các loại rau xanh: các loại rau lá xanh, đặc biệt là rau họ nhà cải có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao như: vitamin B, lutein, folate rất tốt cho sức khỏe của não bộ. Một số loại rau bạn có thể chọn trong bữa ăn của mình như: rau cải xoăn, cải bó xôi, súp lơ xanh.
Thịt bò: chứa nhiều protein, sắt và vitamin nên có tác dụng tái tạo hồng cầu, giúp cho hệ miễn dịch khỏe mạnh và não bộ hoạt động tốt hơn.
Các loại quả mọng: trong các loại quả mọng như: dâu tây, cherry, nho,… có chứa chất flavonoid, có tác dụng cải thiện trí nhớ. Do đó, những bệnh nhân thiếu máu não không nên bỏ qua loại quả này.
Rau củ và trái cây: đây là nguồn thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất cao, giúp tăng cường khả năng trao đổi chất, tăng tuần hoàn máu não. Một số loại rau củ, trái cây tốt cho người thiếu máu não như: bí ngô, cà rốt, lựu, mận,…
Ngũ cốc nguyên hạt: trong ngũ cốc nguyên hạt có chứa lượng chất xơ cùng vitamin cao nên có thể cải thiện tình trạng mỡ máu cao, mạch máu bị tắc nghẽn, giúp cho máu lên não được tốt hơn. Các loại ngũ cốc nguyên hạt tốt cho bệnh nhân thiếu máu não gồm: lúa mạch, gạo lứt, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt,…
Ngoài tăng cường bổ sung các loại thực phẩm trên, người bị bệnh thiếu máu não nên tránh một số thực phẩm không tốt cho hệ tuần hoàn, tim mạch và não bộ như:
- Thực phẩm đóng hộp: chứa hàm lượng muối cao sẽ ảnh hưởng đến huyết áp, gây tác động không tốt đến hoạt động của tim mạch.
- Thức ăn nhanh: đây là những món ăn trông bắt mắt nhưng chúng thường chứa lượng dầu mỡ cao, sẽ làm tăng nguy cơ bị mỡ máu, gây tắc nghẽn mạch máu.
- Đồ uống có cồn: những loại đồ uống này thường có chứa chất kích thích, khiến cho bệnh thiếu máu não trở lên nặng hơn.
- Nước ngọt có gas: những nước này có chứa hàm lượng đường cao, tăng nguy cơ đột quỵ cho bệnh nhân thiếu máu não.
3.3. Tập thể dục, vận động thường xuyên
Việc tập luyện là cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe, dẻo dai của cơ bắp và tim mạch. Từ đó, giúp tăng tuần hoàn máu não.
Một số bài tập tốt cho người thiếu máu não như:
Đi bộ: những bệnh nhân bị bệnh thiếu máu não không nên bỏ qua bài tập này. Đây là bài tập đơn giản, nhẹ nhàng, dễ tập nhưng lại rất tốt cho sức khỏe của não bộ như tăng lượng oxy và máu, giúp não bộ hoạt động bình thường. Mỗi ngày bạn nên dành 30 – 40 phút để đi bộ, trong lúc tập cố gắng giữ đầu và lưng thẳng, hai tay vung nhịp nhàng theo chân.
Thở bằng bụng: đây là phương pháp thở phải vận dụng cả cơ bụng và các cơ ở đáy chậu. Với bài tập này bụng dưới sẽ phình lên giúp mở rộng dung tích phổi, cung cấp oxy cho cơ thể. Ngoài ra, thở chậm và từ từ ép sát bụng có tác dụng thúc đẩy khí huyết đến não, tăng tuần hoàn máu não và thư giãn tinh thần.
Cách thực hiện:
- Bạn nằm hoặc ngồi ở nơi yên tĩnh, đầu gối hơi gập, bàn chân tiếp xúc với mặt sàn.
- Đặt một tay lên bụng dưới, một tay lên lồng ngực.
- Bạn từ từ thả lỏng cơ thể, hít thật sâu bằng mũi, khi đó bạn thấy bụng dưới hơi nhô lên chạm tay vào, cơ hoành hạ thấp nhưng ngực không thay đổi.
- Sau đó, ngưng thở tạm thời để phổi có đủ thời gian khuếch tán oxy trong máu.
- Thở hơi ra bằng miệng một cách từ từ đến khi hết hơi, lúc này bụng sẽ thóp dần xuống.
Ngồi lên chân: đây là bài tập dành cho người thiếu máu não giúp tăng lượng oxy trong máu qua các động tác thở, từ đó giúp máu lưu thông lên não được tốt hơn.
Cách thực hiện:
- Bạn quỳ người xuống, rồi ngồi hẳn lên chân. Lúc này bạn nên đặt bàn chân duỗi thẳng, hướng 2 ngón cái sao cho chạm vào nhau.
- Thả lỏng lưng, đặt hai tay lên đầu gối.
- Từ từ hít một hơi thật dài, ưỡn lưng, đầu hơi ngửa lên trên.
- Sau đó, thả hơi ra, lưng dần dần trùng xuống.
- Bạn nên thực hiện động tác này khoảng 10 lần mỗi ngày.
Tham khảo thêm: 8 động tác yoga cải thiện tuần hoàn máu não hiệu quả
3.4. Nghỉ ngơi và hạn chế căng thẳng
Tâm lý không ổn định, thường xuyên bị stress, căng thẳng, mệt mỏi, lo âu sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tim mạch và não bộ. Đó chính là lý do những người bị căng thẳng, bực tức sẽ khiến cho bệnh thiếu máu não trở lên nghiêm trọng hơn như đau đầu, chóng mặt, thậm chí là đột quỵ.
Để cải thiện tình trạng bệnh, bạn nên dành nhiều thời gian để thư giãn, tránh căng thẳng và làm việc quá sức. Đặc biệt, để đảm bảo sức khỏe người bệnh nên ngủ đủ 8 tiếng một ngày và ngủ trước 11h giờ đêm.
3.5. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Bệnh thiếu máu não có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của người bệnh như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Vì vậy, để giảm thiểu các biến chứng trên, người bệnh nên thăm khám định kỳ để kiểm tra mức độ bệnh, cũng như loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn khác.
Trên đây Sieutrinao.com đã giúp người đọc nắm được thiếu máu não nên làm gì để cải thiện tình trạng bệnh. Hy vọng bài viết cung cấp cho người đọc nhiều thông tin hữu ích giúp bệnh nhân chăm sóc bản thân mình tốt hơn. Chúc bạn luôn khỏe mạnh.