Trong cuộc sống có đôi khi bạn sẽ không kiềm chế được những cảm xúc nhất thời và rơi vào trạng thái mất bình tĩnh, nóng giận, không làm chủ được hành vi và lời nói của mình khiến bạn dễ bị mắc sai lầm nhất, đôi khi để lại những hậu quả đáng tiếc không thể cứu vãn được. Kỹ năng quản lý cảm xúc quan trọng không kém gì kỹ năng tư duy trong cuộc sống!Vậy phải làm thế nào để kiềm chế cảm xúc khi bị mất bình tĩnh, hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Cảm xúc là gì?
Cảm xúc của mỗi người là một hình thức trải nghiệm cơ bản của con người về thái độ của chính mình đối với sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, với người khác và với chính bản thân mình. Cảm xúc có cảm xúc tích cực và tiêu cực, trong khi ta luôn muốn có những cảm xúc tích cực thì cảm xúc tiêu cực lại chi phối ta nhiều hơn.
Làm chủ được cảm xúc nghĩa là chúng ta có khả năng nhận diện, theo dõi, phân biệt được cảm xúc của mình từ những tín hiệu cơ thể và suy nghĩ. Làm được điều này thì những hành vi của chúng ta sẽ được cân nhắc và không mắc phải những sai lầm đáng tiếc.
Làm chủ cảm xúc là chìa khóa để bạn sống một cuộc sống mà bạn mong muốn
Làm thế nào để làm chủ cảm xúc
1. Điều chỉnh trạng thái cơ thể:
Đầu tiên, bạn hãy cố gắng điều chỉnh trạng thái cơ thể. Vì cơ thể chính là nguồn gốc của cảm xúc, vì thế nếu cơ thể ở trạng thái tích cực thì bạn cũng sẽ có những cảm xúc tích cực, ngược lại khi cơ thể ở trạng thái tiêu cực, cảm xúc của bạn cũng sẽ tiêu cực.
Thử nghĩ mà xem khi bạn tức giận, bạn sẽ thấy cơ thể có những thay đổi ngay lập tức như tim đập nhanh, máu dồn lên mặt khiến người bạn nóng hừng hực, lúc này bạn sẽ có xu hướng tìm chỗ trút giận và nếu không điều chỉnh kịp thời thì có thể có những hành động thiếu suy nghĩ gây ra những sai lầm đáng tiếc. Giải pháp đưa ra lúc này là bạn cần phải điều chỉnh cơ thể ngay lập tức, đưa cơ thể về trạng thái bình thường bằng cách thả lỏng người, hít thở thật sâu và đều trong vòng 5s, tưởng tượng rằng bạn đang tống căng thẳng tức giận ra ngoài. Nếu bạn làm được điều này, đảm bảo bạn sẽ giảm bớt được ức chế, nóng giận trong người.
2. Suy nghĩ tích cực
Sau khi đã điều chỉnh được trạng thái cơ thể, bạn hãy cố gắng suy nghĩ mọi việc theo chiều hướng tích cực. Hãy nhắm mắt lại, xua đi những suy nghĩ tiêu cực đến với bạn và nghĩ về ít nhất 3 điều tích cực, hoặc suy nghĩ về những điều khiến bạn hạnh phúc. Một số ví dụ về những suy nghĩ tích cực bao gồm:
- Rồi mọi việc sẽ ổn thôi
- Không có gì là hoàn hảo cả
- Chuyện này sẽ nhanh qua thôi.
- Mình đủ lý trí để xử lý việc này.
- Trải qua khó khăn thử thách cũng là cơ hội để trưởng thành.
- Mình sẽ không cảm thấy tức giận lâu đâu; đây chỉ là một cảm giác tạm thời thôi.
3. Không giam mình trong phòng.
Cũng giống như cơ thể, suy nghĩ là nguồn gốc của cảm xúc và suy nghĩ bị chi phối bởi hình ảnh và từ ngữ, vì vậy thường những lúc nóng giận, mất bình tĩnh bạn sẽ ngồi lầm lì trong phòng, đập phá đồ đạc, bỏ ăn, bỏ uống…những việc này chỉ làm cho bạn mất bình tĩnh và không làm chủ được cảm xúc hơn thôi. Lời khuyên lúc này là bạn hãy ra ngoài một mình có thể là đi bộ công viên, đạp xe, hay lên một chiếc xe bus dạo quanh thành phố, bạn sẽ thấy cảm xúc của mình thay đổi rất nhiều, bạn sẽ thấy bình tâm trở lại, suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn, dễ dàng hơn đấy.
4. Ngồi Thiền
Đây là một phương pháp cực kì hiệu quả nếu bạn biết áp dụng, hãy thoát ra khỏi tình huống khiến bạn giận dữ trước khi bắt đầu thiền. Ví dụ, bạn có thể đi ra ngoài, ra cầu thang, hay thậm chí là vào nhà vệ sinh để thoát ra khỏi khung cảnh khiến bạn tức giận và sau đó áp dụng Thiền như sau.
- Thở thật chậm và sâu, Hơi thở nên sâu đến khi bạn cảm thấy bụng dốc hết hơi thở “bên trong”. Duy trì hơi thở sâu sẽ giúp bạn giảm nhịp tim đang đập nhanh trở lại bình thường.
- Tưởng tượng một thứ ánh sáng vàng – trắng tràn ngập cơ thể khi bạn hít vào, làm tâm trí của bạn thư giãn. Khi bạn thở ra, hãy tưởng tượng hơi thở mang đi những màu sắc tối tăm trong cơ thể.
- Khi bạn tạo cho mình thói quen thiền vào mỗi sáng, kể cả khi bạn không tức giận sẽ giúp cải thiện cảm xúc của bạn, làm cho bạn trở nên điềm đạm hơn.
Đấy là những giải pháp chúng tôi gợi ý giúp bạn kiềm chế cảm xúc khi mất bình tĩnh, tuy nhiên mọi lí thuyết trên đây chỉ là để bổ trợ, điều quan trọng nhất vẫn là do bạn, suy nghĩ, cảm xúc của bạn. Suy cho cùng cảm xúc của ta cũng chỉ là một sự lựa chọn, bạn lựa chọn “nóng giận” hay lựa chọn một sự “yên bình”? Điều đó phụ thuộc vào bản thân bạn mà thôi.
Nguồn: Sieutrinao.com tổng hợp