Trong mọi môi trường công việc, chắc chắn chúng ta đều phát hiện ra rằng, những ai khéo ăn khéo nói, có chính kiến sẽ được cấp trên trọng dụng hơn những người “kém ăn nói”. Cùng một chủ đề, cùng một quan điểm nhưng nếu biết cách truyền đạt, bạn có thể trở thành đối tượng được “vạn người mê”, ngược lại bạn sẽ là kẻ bị cả triệu người ghét chỉ vì nói năng chưa chuẩn mực. Nhất là trong những tình huống giao tiếp, lời bạn nói ra sẽ là một phần không nhỏ quyết định cơ hội bạn sẽ được “gia nhập” một tổ chức hay là người phải ra về.
Mục lục
Vì thế, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ một vài gợi ý giúp bạn rèn luyện kỹ năng phỏng vấn xin việc hiệu quả hơn, hi vọng rằng nó sẽ hữu ích với trường hợp của bạn.
Thứ nhất, giới thiệu về bản thân một cách khéo léo
Trước khi bắt đầu một cuộc phỏng vấn, bao giờ cũng sẽ là màn chào hỏi từ phía nhà tuyển dụng và ứng viên. Bạn cần phải cho những nhà tuyển dụng biết mình là ai. Tuy nhiên, không ít người giới thiệu một cách rập khuôn, máy móc hoặc quá “cẩu thả” đối với những lời nói về bản thân nên đã dẫn đến sai lầm và mất đi ấn tượng ban đầu tốt đẹp trước mặt người khác. Có câu “Nói về người khác thì dễ, nói về bản thân mình mới khó”, bởi vậy, khi phỏng vấn xin việc, tự giới thiệu về bản thân không phải là chuyện đơn giản.
Thứ nhất, cần có thái độ lễ phép khi hỏi thăm, chủ đề đưa ra rõ ràng
Khi gặp nhà tuyển dụng, bạn nên chào họ trước, chào hỏi là nguyên tắc ứng xử cơ bản nhất. Bạn có thể nói: “Xin chào Anh/chị, em rất vui và cảm ơn anh/chị đã cho em cơ hội được phỏng vấn, trước tiên em xin tự giới thiệu về mình…” Cần giới thiệu một cách rõ ràng, rành mạch, không nhất thiết phải liệt kê quá nhiều về những vấn đề tiểu tiết. Những điểm tối thiểu khi giới thiệu về bản thân mà các ứng viên cần phải nêu được đó là: tên, tuổi, học lực, tính cách, kinh nghiệm, sở thích, năng lực làm việc. Đương nhiên, trước khi giới thiệu, chúng ta cần phải sắp xếp tính ưu tiên của thông tin, để nhấn mạnh vào chủ đề trọng tâm.
Sau khi kết thúc phần giới thiệu, đừng quên nói cảm ơn một lần nữa. Nếu như trước mắt bạn là một hội đồng phỏng vấn thì phải cảm ơn tất cả mọi người.
Thứ hai, thực tế chiến thắng hùng biện
Trong khi phỏng vấn, đừng tự tin thái quá, gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng bằng cách khoa trương về bản thân là điều không nên làm, chẳng hạn như “Em luôn đứng đầu bảng về thành tích tích học tập trong 4 năm đại học”. Các doanh nghiệp trong thời buổi hiện đại không giống trước kia, năng lực của bạn không được đánh giá qua những thành tính A, B, C mà bạn phải dùng ví dụ thực tế để nhà tuyển dụng thấy được khả năng thực sự của bạn, cho thấy bạn là người phù hợp với công việc.
Hoa là sinh viên tốt nghiệp khoa Mỹ thuật của một trường đại học. Sau khi ra trường, cô xin đến làm nhân viên thiết kế của một công ty thiết kế nội thất. Khi đối diện với những người phỏng vấn chuyên nghiệp trong lĩnh vực thiết kế nội thất, Hoa không biết phải nói gì về khả năng của mình. Thế nhưng cô ấy chuẩn bị rất kỹ, cô nói với những người phỏng vấn: “Tôi là Hoa, là người Hà Nội, chuyên ngành học của tôi là mĩ thuật, mặc dù không học chuyên nghiệp về thiết kế nội thất, nhưng tôi đã làm cộng tác viên cho một công ty thiết kế, có kinh nghiệm về công việc thiết kế nội thất. Đây là bản thiết kế tôi đã làm khi đó, mời các vị hãy xem và cho ý kiến.” Hoa vừa nói vừa đưa ra tác phẩm của mình. Sau khi xem bản thiết kế, nhận thấy đây là sản phẩm có chất lượng tốt, nên nhà tuyển dụng rất hài lòng. Kết quả là Hoa đã vượt qua rất nhiều các ứng cử viên khác để được nhận vào công ty.
Chừa đường lui cho mình
Giới thiệu về bản thân trong giao tiếp giống như hoạt động tiếp thị trong kinh doanh, để ai đó mua sản phẩm của bạn, bạn phải cho họ biết những ưu điểm của sản phẩm, cho họ thấy những điều mà sản phẩm có thể đáp ứng với những thứ mà họ đang cần. Mặc dù chúng ta luôn đánh giá cao sự trung thực, nhưng tất nhiên có những khía cạnh, nếu không cần thiết chúng ta không cần nói hết tất cả.
Đừng dùng câu khẳng định khi nói về năng lực, kinh nghiệm làm việc hay quan điểm của bạn với công việc dạng như là “Nếu được tuyển dụng, tôi đảm bảo rằng mình sẽ khiến công ty thay đổi theo một diện mạo mới!” Những câu nói này có thể gây phản cảm với người đối diện. Với những nhà tuyển dụng dễ tính, có thể họ sẽ không làm khó bạn. Nhưng nếu gặp phải người khó tính, có thể họ sẽ yêu cầu bạn phải trình bày cụ thể làm cách nào để khiến công ty phát triển hơn, thay vì một lời khẳng định sáo rỗng. Nếu bạn càng trả lời chi tiết, bạn càng dễ đánh mất bình tĩnh và đi vào đường luẩn quẩn vì không đưa ra được câu trả lời rõ ràng và làm hài lòng người phỏng vấn.
Hãy giới thiệu bản thân một cách khôn ngoan trước hội đồng phỏng vấn, đừng khoa trương, dễ làm lộ nhược điểm của bản thân, hãy giới thiệu khách quan, có như vậy cuộc nói chuyện mới có thể tiếp tục diễn biến theo hướng tích cực. Mục đích của chúng ta là để nhà ứng tuyển hiểu về mình, sau đó mới cố gắng để lại ấn tượng tốt đẹp giúp cho cuộc phỏng vấn diễn ra thuận lợi. Do đó, có 3 điểm sau, bạn tuyệt đối phải tránh trong một cuộc phỏng vấn:
- Cố gắng khoe khoang bản thân càng nhiều càng tốt
- Mang thái độ kiêu căng, đắc ý, tự cho mình là đúng
- Dùng nhiều ngôn từ sáo rỗng, vô nghĩa
Mặc dù mỗi nhà tuyển dụng sẽ có thể đưa ra bộ câu hỏi khác nhau, song chúng tôi vẫn xin liệt kê những câu hỏi cơ bản nhất mà đa số người tuyển dụng sẽ dùng trong mỗi cuộc phỏng vấn.
1/ Tại sao bạn muốn làm công việc này? Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?
2/ Bạn đã từng tìm hiểu về công ty của chúng tôi trước đó chưa?
3/ Điểm mạnh – điểm yếu của bạn là gì?
4/ Ngoài tiền lương, loại phúc lợi nào khác mà bạn quan tâm nhất?
5/ Vị trí mong muốn với công việc trong khoảng 3 – 5 năm tới của bạn sẽ là như thế nào?
6/ Nếu như công việc có sự thay đổi, công ty sắp xếp cho bạn một công việc khác với nguyện vọng ban đầu thì bạn có chấp thuận làm việc không?
7/ Với năng lực hiện tại, tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể chọn lựa một công ty tốt hơn, nhưng tại sao bạn quyết định ứng tuyển vào công ty của chúng tôi?
8/ Bạn nghĩ thế nào về việc kế hôn muộn và sinh con muộn? (Câu hỏi cho biết thái độ gắn bó của bạn giữa công việc và gia đình)
9/ Bạn có sẵn sàng đi công tác xa để hoàn thành nhiệm vụ hay không?
Lưu ý:
Chúng ta nên hết sức thận trọng khi nói về lý do tại sao từ bỏ công việc cũ. Khi gặp câu hỏi về lý do tại sao nghỉ việc ở chỗ làm cũ, bạn không nên trả lời với thái độ thờ ơ hoặc đổ lỗi. Có một số lý do là phổ biến và sẽ được chấp nhận như là công việc chưa thực sự đúng chuyên môn, lý do di chuyển địa điểm sinh sống,.. thế nhưng có một số lý do “nhạy cảm” bạn không nhất thiết phải nói ra sự tình, hãy tìm một lý do khéo léo hơn. Tuy nhiên, đừng bao giờ nói xấu về sếp cũ hoặc chê bai thậm tệ về nơi bạn đã từng làm trước kia.
Khi nhà tuyển dụng hỏi rằng, lý do bạn nghỉ việc có phải là do lương thấp hay không, nếu bạn nói rằng mức lương quá thấp nên tôi nghỉ việc thì chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy bạn là con người có suy nghĩ về tiền quá nhiều. Họ sẽ nhận định rằng nếu như có một công ty khác trả lương cho bạn cao hơn, chắc chắn bạn sẽ rời bỏ tổ chức cũ. Và vì vậy, có thể họ sẽ không cho rằng bạn là ứng cử viên phù hợp.
Do đó, khi được hỏi câu hỏi như vậy, bạn có thể thành thật nói rằng mức lương ở công ty cũ không cao nhưng phải nhấn mạnh đó không phải là nguyên nhân chính yếu khiến bạn nghỉ việc ở công ty cũ. Tuyệt đối không lấy lí do chế độ đãi ngộ bất công cho việc rời bỏ công ty.
Lương bổng của một nhân viên có liên quan đến năng lực thực sự và những cống hiến của họ. Vì vậy, khi trả lời những câu hỏi liên quan tới lương thưởng hay chế độ đãi ngộ, đừng trả lời qua loa, cần phải thận trọng và có chiến lược. Nếu đòi hỏi lương quá cao, bạn sẽ khó được chấp nhận, nhưng nếu dễ dãi với mức lương “sao cũng được” thì thiệt thòi sẽ dành cho bạn. Do đó, trước khi deal lương, hãy cân nhắc một số vấn đề sau:
- Tìm hiểu mức lương trung bình trong công việc của bạn tại ngành nghề bạn đang tuyển dụng, mức lương tối đa tối thiểu tại vị trí này.
- Chủ động nêu ra mức lương bạn kì vọng có được, nhưng bạn phải trình bày tại sao mình xứng đáng với mức lương đó.
- Hãy hỏi kỹ nhà tuyển dụng rằng mức lương đó của họ bao gồm những phần nào, có cố định trong năm hay sẽ thay đổi theo kỳ…
- Bạn nên dành thêm thời gian tìm hiểu về các chế độ trợ cấp, phúc lợi của công ty cũng như những quy định hiện hành của nhà nước về việc trả lương thưởng cho người lao động.
Nếu được hỏi về mức lương hiện tại của bạn ở công ty cũ là bao nhiêu, bạn nhất định phải thận trọng trước khi trả lời. Việc trả lời thẳng thắn có thể không có lợi cho bạn, hãy điều hướng sang một câu trả lời khác khéo léo hơn chẳng hạn như là “Mức lương cũ không quan trong, quan trọng là thái độ và năng lực làm việc của tôi”. Câu chuyện deal lương có thể chuyển sang tình huống rất căng thẳng, vì bạn đang cố gắng để đạt được mức lương cao nhất mình mong muốn, trong khi nhà tuyển dụng thì đang muốn tìm cách hạ thấp nhất có thể. Bởi vậy, trong những tình huống căng thẳng, hãy hạ nhiệt bằng cách gợi sang chủ đề khác có liên quan ví dụ như kế hoạch làm việc hoặc cách thức bạn sẽ làm việc tại công ty. Thực ra, chỉ cần bạn cho các nhà tuyển dụng thấy được bạn có khả năng, kinh nghiệm và những điều bạn có thể thực sự làm được trong công ty thì khi đó chuyện mức lương bao nhiêu sẽ không quá khắt khe.
Những điều bạn không nên nói trong cuộc phỏng vấn
- Không nên dành quá nhiều lời khen cho nhà tuyển dụng hoặc doanh nghiệp bạn đang xin vào làm. Lời khen thái quá có thể biến bạn thành kẻ xu nịnh trong mắt người khác.
- Không nên đưa ra những thành kiến về vấn đề giới tính, chủng tộc, phân biệt vùng miền.
- Không nên khoe khoang về con cái hay những vấn đề quá riêng tư của bản thân
- Không nên tiết lộ những thông tin bí mật của công ty cũ, sếp cũ
Không nên nói rằng bạn đang quen biết với ai đó trong công ty (nơi bạn đang ứng tuyển). Nếu như người bạn quen có chức vụ cao trong công ty, người tuyển dụng sẽ cảm thấy e dè và áp lực, hoặc nếu bản thân họ có mối quan hệ không hòa thuận với người thân quen của bạn, chắc chắn kết quả phỏng vấn của bạn sẽ bị ảnh hưởng tí nhiều.
Không ít người bị mất bình tĩnh trong cuộc phỏng vấn, điều đó khiến cho giao tiếp trở nên kém hiệu quả. Một số người có xu hướng nói nhanh và phát ra câu trả lời ngớ ngẩn khi chưa kịp suy nghĩ. Trong khi, một số còn lại thì im lặng với đầu óc trống rỗng vì chẳng nghĩ ngợi được thêm bất cứ điều gì. Vậy, làm sao để vượt qua sự mất bình tĩnh này, hãy tìm hiểu bí kíp trong bài viết tiếp theo đây: 10 mẹo nhỏ giúp bạn bình tĩnh hơn khi phỏng vấn