Khi nói chuyện với cấp trên, thái độ lễ phép là điều vô cùng quan trọng, dè dặt hay tự tin thái quá đều sẽ để lại ấn tượng không hay cho đối phương, bởi thế bạn phải biết điều chỉnh ở mức độ vừa phải. Vậy phải giữ thái độ như thế nào khi nói chuyện với cấp trên? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra các biện pháp đối phó để giúp bạn có được biểu hiện tốt nhất.
Rất nhiều người có năng lực trong công tác, nhưng ấn tượng của cấp trên về họ lại không được tốt lắm, ngược lại một số người có năng lực hạn chế hơn nhưng lại được cấp trên khá tin dùng. Trước tình trạng này, đã bao giờ bạn nghĩ đến nguyên nhân vì sao chưa? Bạn đừng đổ hết trách nhiệm lên đầu “kẻ tiểu nhân” kia, nguyên nhân thực sự có thể là ở thái độ của bạn, bạn nên tự nhìn nhận đánh giá lại thái độ của chính mình, từ đó rút ra kinh nghiệm.
Cấp trên quyết định việc thăng chức của nhân viên, một số người lo sợ biểu hiện không tốt khi đối diện với cấp trên sẽ dẫn tới kết cục không hay, nên luôn vâng vâng, dạ dạ, thái độ xu nịnh. Tuy nhiên trên thực tế, cấp trên chưa chắc đã thích kiểu nhân viên có cách tán dương quá đà như vậy, bởi điều đó chứng tỏ bạn là người không có chủ kiến, chỉ biết a dua xu nịnh. Họ sẽ không bao giờ giao cho những nhân viên này đảm đương những nhiệm vụ quan trọng.
Còn một kiểu người khác, đó là những người có “cái tôi” quá cao, họ cho rằng mình chỉ cần làm tốt công việc được giao phó, chỉ cần có năng lực thực sự là không cần phải cố gắng xây dựng mối quan hệ với mọi người trong công ty, vì thế họ chẳng cần lấy lòng cấp trên, tính cách cứng nhắc và thiếu khéo léo, họ thường từ chối những nhiệm vụ cấp trên giao thêm, đương nhiên tiền đồ của họ cũng sẽ gặp trở ngại.
Hai kiểu người trên đều mắc một lỗi chung đó là thái độ không khéo léo khi làm việc với người khác. Khi nói chuyện với cấp trên, bạn vẫn có thể vừa đưa ra chủ kiến của mình mà không làm mất đi sự tôn trọng với cấp trên, những người làm được như vậy mới khiến cấp trên tin tưởng và cân nhắc giao cho nhiệm vụ mới.
Vậy, bí quyết ở đây đó là…
Thứ nhất, phát biểu ý kiến vào thời điểm thích hợp sẽ được cấp trên coi trọng hơn.
Chúng ta đều phải thừa nhận một điều, những người đã lên được vị trí quản lý đều có những điểm đáng để chúng ta học tập và noi theo. Họ phải thực thi trách nhiệm của người lãnh đạo, họ có nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh trong công việc, vì vậy chúng ta nên coi trọng ý kiến của họ. Nhưng trong trường hợp cần thiết, bạn cũng không nên e ngại đưa ra quan điểm, ý kiến khác với cấp trên, chỉ cần chú ý giữ thái độ lễ phép, khiêm nhường và chân thành thì chắc chắn sẽ nhận được đánh giá cao hơn, thay vì ngồi im nghe rồi tâng bốc, nịnh nọt một cách vô lý.
Hãy nhớ rằng, khi có quan điểm trái ngược, không nên giấu giếm, che đậy mà cần nói ra một cách chân thành, phải luôn quan niệm rằng: thái độ của bạn khi trình bày ý kiến mới là điểm đóng vai trò quyết định.
Đối với cấp trên, một nhân viên chỉ biết nhắc lại giống như một “con vẹt” không bao giờ đưa ra được ý kiến và suy nghĩ riêng của mình thì thành tích chắc chắn sẽ không có gì nổi bật. Bởi nếu bạn chỉ biết a dua theo những điều họ nói, thì việc họ tuyển bạn vào làm việc cho công ty sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Dần dần, họ sẽ đặt ra câu hỏi về năng lực thực sự của bạn. Do đó, nếu bạn là người thông minh, nhạy bén thì chúng tôi khuyên bạn nên biết chủ động đưa ra ý kiến của mình vào thời điểm thích hợp và hết mình vì công việc.
Thứ hai, hãy giữ khoảng cách trong công việc, thử làm bạn với sếp khi hết giờ làm việc.
Trong giờ làm việc, chúng ta nên tuân thủ đúng nguyên tắc trong mối quan hệ công việc giữa nhân viên và cấp trên, nhưng sau khi hết giờ làm việc, bạn có thể thay đổi vai trò, hãy thử làm bạn với sếp của mình, xóa bỏ khoảng cách trong công việc, quan tâm chân thành hoặc nói chuyện thân mật tự nhiên với họ. Ví dụ: “Chị nhà và các cháu nhà sếp vẫn khỏe chứ ạ?”, “Cuối tuần vừa rồi, cả nhà em đi nghỉ ở Sapa. Phong cảnh ở đó rất tuyệt, lần tới sếp thử đưa cả nhà đến đó xem!” Chỉ cần bạn biết thể hiện một cách chân thành, chắc chắn sếp của bạn cũng sẽ vui vẻ đáp lại, dù sao thì giữ được hòa khí trong công việc mới là điều mà sếp của bạn muốn nhìn thấy. Nếu làm được điều này, cả công ty và bản thân bạn đều trở nên vui vẻ.
– Theo cuốn “Nói nhiều không bằng nói đúng”