Hãy nhớ lại lần gần đây nhất mà bạn bị fail trong một buổi phỏng vấn.
Mục lục
- 1. Lý do tại sao người ta thường dễ mất bình tĩnh khi phỏng vấn?
- 2. Cách giữ bình tĩnh khi phỏng vấn
- 2.1. 1- Lên kế hoạch chuẩn bị và diễn tập từ trước
- 2.2. 2- Ngủ sớm và đừng tập luyện quá sức vào đêm cuối cùng trước khi buổi phỏng vấn diễn ra
- 2.3. 3- Đến sớm vào buổi phỏng vấn
- 2.4. 4- Chọn tư thế ngồi phù hợp
- 2.5. 5- Đặt tay trên mặt bàn thay vì giấu chúng ở phía dưới
- 2.6. 6- Thừa nhận về sự căng thẳng của bạn
- 2.7. 7- Đừng nói quá nhanh
- 2.8. 8- Âm lượng phát ra vừa đủ
- 2.9. 9- Đừng thể hiện quá nhiều về bản thân
- 2.10. 10- Hãy nghĩ về cuộc phỏng vấn như một cuộc trò chuyện.
Có phải lòng bàn tay của bạn ướt đẫm mồ hôi, giọng điệu lắp bắp không ra lời, một gương mặt đỏ ửng và trái tim cứ như muốn nhảy khỏi lồng ngực ngay lập tức.
Thực ra: ” Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát sự bình tĩnh khi phỏng vấn mà chẳng cần chút tài năng thiên bẩm nào”.
Nghe thú vị phải không!
Thật vui nếu bạn đang đọc bài viết này, bởi vì chúng tôi có 10 lời khuyên cực hữu ích để giúp bạn kiểm soát sự bình tĩnh cho một buổi phỏng vấn thành công.
Let’s go!
Lý do tại sao người ta thường dễ mất bình tĩnh khi phỏng vấn?
Đối với hầu hết mọi người, sự mất bình tĩnh trong mỗi cuộc phỏng vấn thường được gây ra bởi những lo sợ mang tên thất bại. Cuộc phỏng vấn hôm nay có thể không bao giờ đến lần thứ hai thế nên bạn đặt sự kỳ vọng rất lớn vào đó.
Một vài tình huống không được dự báo trước trong cuộc phỏng vấn có thể đột ngột bẻ lái luồng suy nghĩ khiến bạn bị mất đi bình tĩnh.
Ngoài ra, ứng viên có thể mất bình tĩnh vì những lý do sau đây:
- Không chuẩn bị kỹ các câu hỏi và đáp án, không tìm hiểu về phía công ty và nhà tuyển dụng.
- Bạn gặp các vấn đề cá nhân như: trang phục không phù hợp gây khó chịu, vấn đề về sức khỏe
- Đôi khi, đơn giản chính tâm lý của bạn, có thể bạn đã nghiên cứu kỹ và chuẩn bị chu đáo nhưng bạn vẫn bị lo lắng.
Cách giữ bình tĩnh khi phỏng vấn
1- Lên kế hoạch chuẩn bị và diễn tập từ trước
Tổng hợp lại mọi thông tin mà bạn nghĩ có thể các nhà tuyển dụng sẽ hỏi mình ví dụ:
- Giới thiệu bản về bản thân??
- Điểm mạnh, điểm yếu của bạn
- Bạn có những kỹ năng gì để phục vụ cho công việc này?
- Tại sao bạn lại bỏ công việc trước kia? vv…
Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu thêm đôi chút thông tin về công ty, tối thiểu là tên đầy đủ và ngành nghề kinh doanh chính của công ty. Ngoài ra nếu bạn biết thêm đôi chút về lịch sử thành lập, văn hóa hoặc nhân sự ở công ty thì càng tốt. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ cảm thấy hài lòng đối với một ứng viên quan tâm tới tình hình công ty của họ. Tránh việc bạn thao thao bất tuyệt về các đơn vị ABC khác mà ngay đến cả thông tin cơ bản nhất về nơi bạn đang ứng tuyển lại không nắm được.
Sau khi đã có được sự chuẩn bị đầy đủ, hãy bắt tay vào một buổi diễn tập thử tại nhà. Bạn nên nhờ bố mẹ hoặc những người thân khác trong vai của nhà tuyển dụng để đặt câu hỏi cho bạn. Họ sẽ là những người tốt nhất để giúp bạn rút kinh nghiệm và khắc phục những thiếu sót trong bài phỏng vấn của mình.
2- Ngủ sớm và đừng tập luyện quá sức vào đêm cuối cùng trước khi buổi phỏng vấn diễn ra
Ngày cuối cùng, bạn chỉ nên thư giãn bản thân giúp cơ thể được thoải mái nhất, vì việc cố gắng nhồi nhét thông tin vào đầu dường như không còn hiệu quả nữa. Tập luyện nhiều có thể khiến chúng ta mệt mỏi hơn. Cũng đừng ăn bất cứ thứ gì lạ miệng có nguy cơ gây ra các vấn đề về tiêu hóa vào ngày hôm sau.
Thay vào đó, việc nên làm là kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ của mình để đảm bảo rằng không có chút sai sót ngớ ngẩn nào về thông tin ghi trong đó.
Đặt riêng bộ trang phục mà bạn ưng ý nhất cho buổi phỏng vấn ở một góc dễ tìm. Dù nó là váy, vest hay quần áo sơ mi thông thường thì chỉ cần đó là vừa vặn đủ để bạn thoải mái, lịch sự cho một ấn tượng ban đầu tốt đẹp.
Cuối cùng là đặt báo thức đúng giờ và dành cho bản thân một giấc ngủ ngon để bắt đầu mọi việc vào ngày hôm sau.
Kỹ năng kiểm soát cảm xúc: Làm sao để giữ bình tĩnh khi sợ hãi?
3- Đến sớm vào buổi phỏng vấn
Đến sớm hơn một chút sẽ giúp bạn chọn lựa được vị trí phù hợp trong hàng ghế chờ và dành thời gian nghỉ ngơi cũng như điều hòa nhịp thở của mình. Hãy tự nói với bản thân rằng bạn có thể vượt qua nó. Nếu vẫn còn lo lắng, hãy thử gọi cho một người mà bạn tin tưởng. Bởi không có gì tốt hơn là sự khích lệ tích cực từ những người mà bạn yêu mến.
Thay vì mải mê lướt web, bạn có thể ngồi thư giãn tại chỗ hoặc cho phép mình đi dạo khoảng vài phút quanh hành lang. Hãy tranh thủ khoảng thời gian chờ đợi để quan sát xung quanh xem công ty đó làm việc như thế nào, văn hóa ra sao, công ty có gì hay biết đâu bạn có thể tận dụng những gì nắm bắt được trong buổi phỏng vấn, chắc chắn phía nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng với bạn.
4- Chọn tư thế ngồi phù hợp
Bình tĩnh bước vào phòng và đừng quên nở một nụ cười trìu mến và nói lời xin chào. Đừng tỏ ra khúm núm hay sợ sệt, dáng vẻ ấy sẽ khiến nhà tuyển dụng thấy bạn có vẻ kém cỏi. Đừng quên, gửi ba lô hay cặp xách phía bên ngoài, hoặc bạn có thể để chúng ở nhà, tránh mang đồ lỉnh kỉnh quá nhiều. Ngồi xuống ghế mới bắt đầu loay hoay bỏ đồ ra. Như thế trông có vẻ không chuyên nghiệp.
Tiếp đó,ngồi thẳng lưng với tư thế ngay ngắn, không rung đùi, chùn vai hay lắc mình liên tục. Nếu bạn dựa lưng quá xa hành động này có thể khiến cổ họng của bạn dễ bị nghẹn trong khi nói. Chúng tôi khuyên bạn nên ngồi thẳng, hơi nghiêng về phía trước bạn sẽ cảm thấy năng động hơn khi ở vị trí này. Dáng ngồi vững chắc sẽ giúp củng cố vẻ ngoài tự tin hơn ngay cả khi bạn đang run rẩy ở bên trong.
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, khi con người rơi vào trạng thái lo lắng và căng thẳng quá mức, việc thả lỏng các cơ khớp tay và chân sẽ góp phần rất quan trọng để lấy lại sự cân bằng tâm lý cho cơ thể.
5- Đặt tay trên mặt bàn thay vì giấu chúng ở phía dưới
Theo các chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ cơ thể, hành động cho thấy bàn tay chính là một dấu hiệu của sự trung thực. Hãy đặt tay lên mặt bàn! Bạn có thể mở rộng lòng bàn tay hoặc điều chỉnh chúng cho phù hợp để giúp nhấn mạnh thêm nội dung mà bản thân đang muốn diễn tả.
6- Thừa nhận về sự căng thẳng của bạn
Tự tạo áp lực cho bản thân thường khiến bạn càng trở nên căng thẳng hơn. Với con mắt tinh tường của nhà tuyển dụng sẽ không khó để họ thấy được sự lúng túng hay mất bình tĩnh của các ứng viên ngay ở những phút ban đầu. Chính vì vậy, một biện pháp được coi là khôn ngoan nếu chúng ta tự “rào trước đón sau” bằng cách nói cho họ về sự lo lắng của mình chẳng hạn: “Tôi đang có chút căng thẳng, rất mong anh/chị lượng thứ”. Đừng quên nở một nụ cười trìu mến trên môi.
Thật ra, khi bạn thú nhận điều đó chẳng nhà tuyển dụng nào lại chê bai sự thành khẩn này. Hành động của bạn vừa giúp trút bỏ được phần nào căng thẳng mà cũng ghi điểm trước mắt ban ứng tuyển thông qua cách xử lý linh hoạt.
7- Đừng nói quá nhanh
Sự mất bình tĩnh có xu hướng làm cho chúng ta tăng tốc độ nói chuyện. Những lời mà bạn thốt ra gần giống như một tràng súng liên thanh, vừa dài dòng chen lẫn những lời ậm ừ và đương nhiên là nhà tuyển dụng chẳng kịp nghe hết những gì bạn phát biểu.
Cố gắng điều hòa nhịp thở của mình và nói chậm lại. Khi nhà tuyển dụng hỏi hãy dành một vài giây để suy nghĩ và dùng khoảng 30 giây cho mỗi câu hỏi trừ khi câu trả lời sâu hơn được yêu cầu.
Đừng ngần ngại nếu bạn yêu cầu người phỏng vấn lặp lại câu hỏi. Vì điều đó tốt hơn là bạn vội vàng trả lời mà chưa nắm bắt được ý của họ.
8- Âm lượng phát ra vừa đủ
Một cách khác để giữ bình tĩnh trong khi đang phỏng vấn đó là cố gắng điều chỉnh âm lượng giọng nói ở mức vừa đủ nghe. Hãy đơn giản như thể bạn đang nói chuyện với nhóm bạn của mình.
Tiết lộ: Bí kíp để giữ bình tĩnh khi nói chuyện trước đám đông
9- Đừng thể hiện quá nhiều về bản thân
Đôi khi chúng ta mải mê kể về bản thân và quên đi những gì mà các nhà tuyển dụng cần là những câu trả lời ngắn gọn nhưng rõ ràng, đi đúng trọng tâm vấn đề. Qua đó, họ cũng đánh giá được năng lực tổng hợp kiến thức cũng như sự phản ứng nhanh nhạy và năng lực vững chắc của bạn. Bởi họ không cần bạn trả lời quá dài dòng, cố nhồi nhét thật nhiều thông tin vào đó.
Thay vì vậy hãy thử đặt câu hỏi ngược lại về phía nhà tuyển dụng để cho họ thấy bạn đang quan tâm tới công việc và công ty của họ. Hoặc lắng nghe họ, lắng nghe sẽ giúp các phản ứng trong cơ thể chậm lại và cho bạn thấy giá trị câu hỏi của họ từ đó sẽ tránh được những sai lầm không mong muốn.
Rõ ràng điều quan trọng trong cuộc phỏng vấn luôn là sự vừa đủ cho tất cả, sự cố gắng của bạn không chỉ đơn giản là cái tôi quá cao.
10- Hãy nghĩ về cuộc phỏng vấn như một cuộc trò chuyện.
Hãy nhớ rằng, những nhà tuyển dụng họ cũng chỉ là những người bình thường như bạn, họ không phải là cá mập. Ngay cả họ cũng có thể dễ vấp phải sự mất bình tĩnh trong khi vấn đáp chính bạn. Mặc dù, thật khó để coi đây chỉ là một cuộc trò chuyện thông thường. Nhưng nếu bạn thân thiện và thoải mái điều đó sẽ có lợi cho cuộc nói chuyện từ cả hai phía.
Chúc các bạn thành công!