Dưới đây là một tình huống có vẻ rất quen thuộc đối với mỗi chúng ta thời còn đi học, đó chính là tiết mục “kiểm tra bài cũ”.
Mục lục
- 1. Tại sao bạn dễ mất bình tĩnh trước đám đông?
- 2. Bí quyết giữ bình tĩnh trước đám đông
- 2.1. 1. Chuẩn bị trước nội dung phát biểu không bao giờ là thừa
- 2.2. 2. Kiên trì và tập luyện mỗi ngày
- 2.3. 3. Tham gia một khóa học ngắn hạn không phải là một ý kiến tồi
- 2.4. 4. Dành thời gian để khám phá khán đài của bạn
- 2.5. 5. Uống nhiều nước, hít thở sâu, thả lỏng cơ thể trước khi lên sàn diễn của chính mình
- 2.6. 6. Nói to nhưng chậm rãi và tương tác với khán giả
- 2.7. 7. Chuẩn bị trước những tình huống bất ngờ
Sau khi chào cả lớp, thầy giáo của bạn ngồi xuống, bắt đầu đọc câu hỏi và mở cuốn sổ điểm để gọi tên người lên bảng.
Ôi chết! Bạn còn chưa thuộc bài. Bạn mới chỉ nhẩm qua vài lượt lúc đầu giờ. Và rồi, những cảm xúc tồi tệ kéo tới nhanh chóng.
Bạn bắt đầu run rẩy, nuốt nước bọt ừng ực, lòng bàn tay đổ đầy mồ hôi. Thật không may! Người bị gọi lên bảng lại chính là bạn.
Bạn bước lên bục, rồi trả với giọng điệu lí nhí. Những lời lẽ lủng củng, chẳng đầu chẳng cuối ngập ngừng tuôn ra.
Ở phía dưới là hàng chục ánh mắt đổ dồn lên trên khiến bạn chỉ biết cúi gằm mặt xuống đất để phát biểu. Bạn vừa nói vừa cảm giác như có ai đó đang cười cợt mình, chế giễu mình.
Cuối cùng, bạn về chỗ, kết thúc cơn ác mộng của ngày hôm đó với một điểm số dưới mức trung bình in rõ mồn một trên sổ đầu bài.
Tại sao bạn dễ mất bình tĩnh trước đám đông?
Theo Trung tâm lo âu xã hội quốc gia, nỗi sợ nói trước đám đông là nỗi ám ảnh phổ biến nhất. Nỗi ám ảnh này thậm chí còn phổ biến hơn nỗi sợ độ cao, cái chết và nhện. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy đặc biệt lo lắng trước khi thuyết trình, bạn có thể cảm thấy an ủi khi biết mình không đơn độc. Trên thực tế, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia đã ước tính rằng khoảng 73% cá nhân mắc chứng sợ nói trước đám đông.
Yếu tố chính góp phần gây ra nỗi ám ảnh này là nỗi sợ bị người khác đánh giá hoặc phán xét tiêu cực. Nhiều người đứng trước một nhóm người và đứng hình hoặc quên mất những gì họ định nói. Điều này dẫn đến mức độ căng thẳng gia tăng, thực sự có thể làm ngừng hoạt động của thùy trán của não, một phần chịu trách nhiệm cho việc phục hồi trí nhớ.
Nói chung, sự lo lắng do thuyết trình hoặc nói trước công chúng không chỉ rất phổ biến mà còn bị ảnh hưởng về mặt tâm lý và sinh học.
Vậy đấy, mất bình tĩnh trước đám đông thực ra lại là một loại cảm xúc khá phổ biến, nó xảy ra với hàng triệu người trên thế giới này. Nhưng thật may là chúng ta vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát điều đó. Để tránh khỏi những tình huống khó đỡ như trên thì sau đây là một vài lời khuyên hữu ích giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh của mình.
Bí quyết giữ bình tĩnh trước đám đông
1. Chuẩn bị trước nội dung phát biểu không bao giờ là thừa
Giống như việc trả lời bài cũ, nếu bạn chịu tìm hiểu kỹ và học bài từ ngày hôm trước thì chắc chắn kết quả xảy ra sẽ không tệ đến vậy.
Maurice Greenbag – một nhà chiến lược tài ba của tập đoàn bảo hiểm AIG lớn nhất nước Mỹ nói rằng “Để trở thành một người diễn thuyết giỏi, bạn cần phải là người HIỂU NHIỀU NHẤT về câu chuyện của mình, bởi càng hiểu biết nhiều thì bạn sẽ càng trở nên tự tin hơn.”
Cách đơn giản là gạch đầu dòng những ý tưởng chính, tiếp đến phát triển nội dung chi tiết như một chuỗi sơ đồ cây. Nó sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn và liên kết chặt chẽ nội dung bài phát biểu của mình.
Khi chúng ta hiểu về câu chuyện mà mình định kể, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Chuẩn bị trước nội dung không đơn giản như cách bạn học vẹt học hay thuộc lòng một đoạn văn, chúng ta phải tự tạo ra niềm đam mê cho riêng mình. Từ đó, việc truyền lửa cho đám đông sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết. Bởi, nếu chính bạn không cảm thấy thú vị với những gì mình đang nói ra thì có thể người khác cũng chẳng thèm quan tâm đến những gì bạn sắp kể.
2. Kiên trì và tập luyện mỗi ngày
Sau khi đã có được một nội dung hấp dẫn nhất, hãy bắt tay ngay vào việc tập luyện và thực hành bài phát biểu tại nhà. Bạn biết đấy, để nói được một loại ngôn ngữ nào đó người ta phải tiếp xúc với nó ít nhất là 10.000h. Vì vậy, không có gì tự dưng mà đến nếu như chúng ta không kiên trì từ những bước đầu tiên.
Trước hết, không gian tập luyện có thể chính là phòng ngủ của bạn, trong WC hoặc bất cứ đâu bạn thấy thoải mái. Hãy đứng trước gương với một bài phát biểu đơn giản, quan sát điệu bộ và cử chỉ của bản thân, nhớ quay lại clip theo dõi để tự điều chỉnh phù hợp cho những lần tiếp theo.
Tiếp đến, hãy mạnh dạn hơn, đem “talk show” biểu diễn trước mặt cha mẹ hay một vài người bạn thân và lắng nghe góp ý của họ. Vài ngày sau đó, bạn có thể thử tại công viên nơi mà nhiều người qua lại. Số lượng người vây quanh cứ thế nhân lên. Với không gian ngày càng lớn, bạn sẽ dần cảm thấy tự tin và thoải mái hơn.
Cứ như thế, tập luyện, rút kinh nghiệm và tập luyện sẽ giúp bạn thêm bình tĩnh và tự tin vào khả năng của mình. Tuy chúng ta sinh ra không phải là một nhà hùng biện bẩm sinh, nhưng hãy chinh phục nó bằng cách luyện tập chăm chỉ.
Lâu dần bạn sẽ thấy được cảm giác đứng trước đông người trở nên quen thuộc và không có gì phải lo lắng. Càng giao tiếp càng phát biểu nhiều bạn sẽ càng thêm tự tin hơn và kiểm soát sự bình tĩnh bên trong con người của mình.
3. Tham gia một khóa học ngắn hạn không phải là một ý kiến tồi
Tại sao những MC truyền hình thường rất tự tin khi đứng trước hàng ngàn khán giả mà không chút ngại ngùng hay lo lắng?
Tại sao nhiều nhân viên bán hàng lại có thể thuyết phục những khách hàng xa lạ với thái độ vô cùng điềm tĩnh đến như vậy?
Là bởi họ được trải qua quá trình học tập chuyên nghiệp và luôn tự thực hành mỗi ngày với chính công việc của họ.
Nếu diễn thuyết là việc mà bạn thường xuyên phải làm hoặc đơn giản chỉ là muốn vượt qua nó thì hãy thử tham gia một khóa học giao tiếp nào đó phù hợp. Ngoài việc chế ngự sự mất bình tĩnh, nó còn giúp chúng ta điều phối ngôn ngữ cơ thể và cảm xúc của bản thân linh hoạt, để tránh xảy ra những sai làm không mong muốn. Đây chính là những bí quyết rất cần cho cuộc sống và công việc của mỗi người.
4. Dành thời gian để khám phá khán đài của bạn
Nếu như hôm nay bạn có buổi phát biểu tại một sân khấu hoành tráng, hãy cố gắng tiếp cận và tham quan trước để nắm bắt tình hình tại sân khấu.
Bạn hãy ngồi ở hàng ghế của khán giả để xem liệu từ hướng này thì khi ở trên sân khấu trông bạn sẽ thế nào. Ngoài ra, bạn có thể thử bước lên sân khấu khi chưa có ai để tìm kiếm vị trí đặt bục và micro, tự cảm nhận xem hướng mặt nào là phù hợp để tránh cho sáng chiếu tới không khiến bạn bị chói mắt …
Làm quen với sân khấu sẽ giúp chúng ta hạn chế được nhiều hơn những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Tìm sự cân bằng giữa việc kiểm soát càng nhiều càng tốt và nhận ra rằng kiểm soát được mọi thứ là chìa khóa để những cảm xúc tiêu cực hạn chế xảy ra.
5. Uống nhiều nước, hít thở sâu, thả lỏng cơ thể trước khi lên sàn diễn của chính mình
Thường thì việc nói nhiều và nói liên tục sẽ khiến chúng ta có cảm giác khát khô cổ họng, khó thốt lên lời và hơi thở bị ngắt quãng. Để tránh sự hồi hộp và những hành động “ngớ ngẩn” khi bị mất bình tĩnh trước đám đông thì bạn nên tiếp sức với một ly nước lọc để làm lỏng cổ họng. Tránh xa đồ uống có chứa cafein. Vì chúng có thể làm tăng nhịp tim, khiến bạn bồn chồn và run lên. Điều này mang đến cho khán giả ấn tượng bạn là một người thiếu tự tin. Và không cần phải nói, uống rượu để đối phó với nỗi sợ hãi sẽ làm người ta nhanh chóng quên đi mọi thứ cần phải nói trong buổi thuyết trình trước đám đông.
Một mẹo nhỏ khác chính là áp dụng các bài tập làm giãn cơ miệng chẳng hạn như: rung môi liên tục, xoay miệng theo chuyển động tròn khoảng 15s…để tránh bị nói vấp, nói lắp trong khi thuyết trình. Đi bộ chậm, đều đặn sau cánh gà giúp cơ thể thiết lập một nhịp điệu làm cho cảm xúc bình tĩnh hơn và làm giảm sự nhầm lẫn thường dẫn đến nói lắp.
Trước khi lên sân khấu, cố gắng tập trung vào nhịp thở cho đến khi bạn có thể điều hòa nhịp tim của mình. Động tác này có tác dụng tích cực trong việc giảm sản xuất adrenaline (một loại hormone tiết ra ở tuyến thượng thận mỗi khi con người bị sợ hãi, tức giận hay quá phấn khích. Adrenaline làm cho cho nhịp tim đập nhanh và cơ thể có những phản ứng chống lại nguy hiểm).
Ngoài ra, hãy nhớ là lựa chọn một bộ trang phục thoải mái đủ khiến bạn tự tin, để tránh sự cố khiến bạn xấu hổ hoặc ngộp thở vì nó quá chật.
6. Nói to nhưng chậm rãi và tương tác với khán giả
Khi không tự tin người ta sẽ có xu hướng NÓI NHỎ lại và NÓI NHANH hơn, những âm thanh lí nhí trong cổ họng không rõ ràng thường khiến người nghe rất bực mình. Đừng để thời gian của buổi phát biểu khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Ở đây, chúng ta hãy cố gắng nói to hơn và nói chậm lại. Hãy thử tập trung cách truyền tải thông điệp tới những người xung quanh thay vì cố gắng nói được nhanh và nhiều ý nhất.
Người khác thường giới thiệu bạn trước khi bạn bắt đầu. Nếu có tiếng vỗ tay, hãy đợi cho đến khi nó tắt hẳn. Đó là cách lý tưởng giúp tận dụng thời gian để thở, cười, nhìn xung quanh phòng và nhẹ nhàng gật đầu để biểu thị “Cảm ơn”. Điều đó sẽ cho bạn thêm thời gian để bình tĩnh và thu thập suy nghĩ của mình
Khi bạn bắt đầu bài phát biểu, hãy chọn một vài khuôn mặt thân thiện ở các khu vực khác nhau trong đám đông. Không chỉ khán giả sẽ đánh giá cao nó, mà bạn sẽ thấy rằng họ quan tâm đến thông điệp của bạn. Thêm một nụ cười và bạn nhất định sẽ thấy một số người đáp lại. Từ đây, việc chuyển bài thuyết trình từ độc thoại sang đối thoại sẽ giúp giảm căng thẳng và thu hút khán giả.
7. Chuẩn bị trước những tình huống bất ngờ
Một lý do khác hay khiến chúng ta đánh mất sự bình tĩnh trước đám đông đó chính là không biết phải xử lý ra sao với những tình huống BẤT NGỜ ập tới. Khi bạn đang chuẩn bị bài nói chuyện của mình, hãy cố gắng dự đoán bất kỳ câu hỏi nào có thể xảy ra, bao gồm cả quan điểm thách thức hoặc đối lập. Cố gắng đặt ra một vài cách để xử lý và giải quyết những tình huống đó.
Đừng lo lắng nếu bạn bị bối rối. Cũng đừng cố trả lời ngay lập tức, bạn có thể dành chút thời gian suy nghĩ bằng cách hỏi ngược lại một vài quan điểm ở phía đông người ngồi dưới, đó có thể sẽ là những ý kiến hay giúp bạn tham khảo để có được đáp án cho riêng mình.
Một thủ thuật nho nhỏ khác bạn có thể áp dụng đó là mang theo một tờ giấy note, sau đó ghi lại những ý chính bạn định nói, rồi dán nó trong lòng bàn tay . Đây cũng là một cách để giúp bạn “gỡ gạc” nếu chẳng may “quên bài” trong khi đang trình bày, thế nên tờ note sẽ giúp gợi ý những gì cần nói tiếp theo, ngay cả khi bạn không sử dụng chúng.
Chúc may mắn!